I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU.
1. Quan điểm.
Du lịch biển, đầm phá là loại hình quan trọng nhất trong phát triển du lịch huyện Phú Vang. Phát triển du lịch biển và đầm phá là hướng đột phá để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ- Công nghiệp, TTCN và Nông nghiệp.
Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch biển, đầm phá với bảo vệ môi trường sinh thái của vùng biển và hệ đầm phá, khôi phục làng nghề truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hoá- lịch sử; tăng cường củng cố quốc phòng- an ninh.
2. Mục tiêu.
2.1. Mục tiêu chung:
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Lấy du lịch làm ngành kinh tế trọng điểm gắn với phát triển nông nghiệp để tạo sự chuyển biến rõ rệt về kinh tế ở các xã, thị trấn ven biển và đầm phá của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện Phú Vang, trở thành vùng du lịch quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
- Phấn đấu tăng trưởng dịch vụ du lịch bình quân giai đoạn 2016- 2020 đạt 16% và đạt 18% vào năm 2025.
- Phấn đấu các chỉ tiêu phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 như sau:
+ Khách du lịch: Năm 2016 thu hút 0,9 triệu lượt khách; năm 2020 thu hút 1,2 triệu lượt khách; năm 2025 thu hút 1,5 triệu lượt khách.
+ Khách lưu trú: Năm 2016 đạt 24.500 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 14.000 lượt; năm 2020 đạt 26.900 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15.800 lượt; năm 2025 đạt 30.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 19.000 lượt.
- Phấn đấu doanh thu du lịch: Năm 2016: 82 tỷ đồng; năm 2020: 145 tỷ đồng; năm 2025: 330 tỷ đồng.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM.
1. Giai đoạn 2016- 2020.
1.1. Tập trung xây dựng và hình thành các điểm đến, tour du lịch.
- Giai đoạn 2016-2017:
Tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch biển, đầm phá sẵn có nhằm phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch nhà thuyền, du lịch thể thao biển, du lịch ẩm thực. Xác định 5 điểm trọng tâm: Điểm dịch vụ du lịch bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, Tháp Chăm (Phú Diên) và điểm dịch vụ ẩm thực đầm Chuồn.
Tập trung chỉnh trang quy hoạch, đầu tư hạ tầng, xây dựng cảnh quan môi trường, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh; khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý như tình trạng ăn xin, bán hàng rong, tranh giành khách, giá cả các dịch vụ cao, vệ sinh môi trường...
Tiếp tục phát triển loại hình du lịch ẩm thực tại đầm Chuồn, Phú An; trong đó tập trung quy hoạch đầm Sam Chuồn, sắp xếp lại các nhà hàng theo hướng ổn định số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng các hoạt động phục vụ du khách gắn với bảo vệ môi trường.
Xây dựng các tour du lịch sinh thái ven biển- đầm phá; tour du lịch tham quan di tích lịch sử- ngành nghề- sinh thái: đầu tư hạ tầng, nâng cấp tuyến du lịch đường thủy đi từ Huế-Thuận An- đầm Chuồn, với lộ trình: Xuất phát từ Huế → bến thuyền Thuận An→ tham quan nhà chồ, nhà trưng bày ngư lưới cụ, tìm hiểu văn hóa dân cư ven biển→ trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên đầm Chuồn→ sử dụng ẩm thực tại đầm Chuồn→ Huế.
Xây dựng tour du lịch đường bộ Huế- Phú Dương- Phú Mậu- Thuận An, với lộ trình: Xuất phát từ Huế →tham quan nhà lưu niệm Bác Hồ →tham quan nhà rường mộc, tre mỹ nghệ→ tham quan, trải nghiệm làm Hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, trồng hoa tươi, rau sạch →biển Thuận An.
- Giai đoạn 2018- 2020:
Tiếp tục đầu tư và khai thác tốt dịch vụ du lịch biển, đầm phá tại các bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, du lịch ẩm thực tại đầm Chuồn; quy hoạch đầu tư, phát triển các bãi tắm Phú Diên, Vinh An. Huy động nguồn lực để đầu tư các khu du lịch cao cấp; nâng cấp kết cấu hạ tầng, các khách sạn, nhà nghỉ,… phục vụ du khách. Chú trọng xây dựng cảnh quan, hình ảnh, các dịch vụ bổ trợ. Phối hợp với các đơn vị lữ hành nâng cao chất lượng các tour du lịch. Hình thành trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm vui chơi giải trí tại Thuận An.
Tăng cường đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển và hướng tới sản phẩm có giá trị cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, hấp dẫn du khách, như: thuyền buồm, câu mực về đêm; phát triển các loại hình thể thao trên biển, hình thành các câu lạc bộ, các cơ sở cung cấp dịch vụ thể thao biển, như: dù kéo, môtô nước, lướt ván, lướt ván buồm.
Từng bước nghiên cứu và hình thành loại hình du lịch nhà thuyền trên đầm phá mới lạ, hấp dẫn dựa trên việc khai thác cảnh quan, hệ sinh thái đầm phá, kết hợp trải nghiệm đời sống cư dân vùng ven biển, đầm phá.
Xây dựng kết nối các tuyến du lịch:
- Tuyến du lịch đường bộ từ Huế- Phú Diên- Vinh Thanh- Vinh An, với lộ trình: tham quan Tháp Chăm (Phú Diên)→ quần thể lăng mộ làng An Bằng (Vinh An) → tham quan cơ sở sản xuất rượu gạo, chợ Chiều, chợ hải sản (Vinh Thanh)→ tắm biển Vinh Thanh.
- Tuyến du lịch đường thủy Thuận An- Vinh Phú- Vinh An, với lộ trình: Bến thuyền Thuận An→ Đầm Sam Chuồn→ Đầm Thủy Tú→ tham quan khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Cồn Chìm xã Vinh Phú và trồng cây lưu niệm ven bờ xã Vinh Phú→ chiều tham quan quần thể lăng mộ An Bằng (Vinh An)→ tắm biển Vinh An.
1.2. Phát triển các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm làng nghề.
Xác định một số sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu để làm sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch khi đến Phú Vang, như: hoa giấy Thanh Tiên, nón lá Mỹ Lam, hàng thủ công mỹ nghệ; nước mắm ruốc Thuận An, Phú Thuận; rượu làng Chuồn; rượu gạo Vinh Thanh; tương ớt Vinh Xuân, các loại hải sản khô.
Xác định một số cơ sở sản xuất nghề truyền thống ở một số tuyến du lịch để tổ chức cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Tổ chức tập huấn cho các hộ dân một số kỹ năng như: tiếp đón khách, thuyết minh để phục vụ du khách, hướng dẫn du khách thực hành trải nghiệm. Hỗ trợ xây dựng các quầy trưng bày sản phẩm, giới thiệu cho du khách.
Xây dựng một số lô quầy bán hàng lưu niệm tại các bãi tắm, các điểm du lịch với những sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: hoa giấy, nón lá, hàng thủ công mỹ nghệ, nước mắm, ruốc, tôm chua, rượu gạo, các loại thủy sản khô.
1.3. Kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Kêu gọi nguồn lực đầu tư xây dựng các khu du lịch cao cấp, các khu resort, khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là đầu tư các dịch vụ, công trình vui chơi giải trí, các dịch vụ mới thu hút đông đảo du khách.
Chú trọng việc phân phối nguồn lực giữa các cụm; đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở cụm từ Phú Diên→ Vinh An.
1.4. Tập trung ưu tiên đầu tư các dự án sau.
- Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái trên đầm phá giai đoạn 2016-2020.
- Nâng cấp bãi tắm Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh, Phú Diên, Vinh An.
- Nâng cấp, xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng phục vụ du khách: Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An.
- Xây dựng các bến thuyền du lịch Thuận An, Phú An, Vinh Phú, Phú Mậu, Vinh An, Vinh Thanh (bao gồm nhà chờ, nhà vệ sinh).
2. Định hướng đến năm 2025.
Phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa. Chú trọng loại hình du lịch có khả năng chi tiêu cao, thích hợp với người dân, như: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, đầm phá, du lịch ẩm thực.
Tăng cường hoạt động quảng bá các điểm, các hoạt động du lịch; khai thác các tour truyền thống và mở một số tour du lịch mới.
Phát triển sản phẩm du lịch truyền thống, như: du lịch biển, đầm phá, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch mới như kêu gọi đầu tư khu vui chơi giải trí, thể thao trên biển.
Tập trung đầu tư xây dựng khu vực Thuận An- Phú Thuận- Phú An trở thành cụm du lịch Trung tâm của huyện. Khai thác thế mạnh du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa; tổ chức các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng từ Phú Diên về Vinh An. Trong đó, xã Vinh Thanh là đô thị trung tâm, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội cụm xã ven biển, đầm phá.
III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.
1. Tăng cường công tác kêu gọi đầu tư.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng du lịch của huyện để giới thiệu với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển, đầm phá.
Thực hiện một số cơ chế, chính sách phát triển du lịch như chính sách miễn, giảm thuế, cho thuê đất dài hạn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án du lịch tại các khu trọng điểm; hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo nghề du lịch cho cộng đồng địa phương,... Có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh, xây dựng các khu du lịch- vui chơi giải trí nhằm tạo ra những sản phẩm đặc trưng để làm điểm nhấn kết nối du lịch Phú Vang với các địa phương khác.
2. Tăng cường giải pháp để huy động nguồn vốn và bố trí nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, đảm bảo hiệu quả.
Tăng cường xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tranh thủ các nguồn vốn viện trợ, vốn vay để đầu tư cải thiện môi trường đô thị và phát triển hạ tầng khu vực nông thôn phục vụ phát triển du lịch. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn.
Huy động người dân mạnh dạn đầu tư các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch, như: tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, kinh doanh hàng lưu niệm đặc trưng của Phú Vang, tổ chức lưu trú cho du khách tại nhà dân,…
Bố trí ngân sách Nhà nước để ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, công trình phục vụ du lịch; chú trọng xác định lộ trình, hạng mục hạ tầng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư, tránh trường hợp đầu tư dàn trải làm phân tán nguồn lực, không hiệu quả. Ưu tiên đầu tư hạ tầng để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Thuận An, Phú Thuận và Phú An. Bên cạnh đó, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng tại các điểm có tiềm năng như Phú Diên, Vinh Thanh, Vinh An và Vinh Xuân.
Phấn đấu huy động kinh phí đầu tư giai đoạn 2016- 2020: 100,2 tỷ đồng; giai đoạn 2021- 2025: 64,3 tỷ đồng.
3. Tăng cường công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch biển Phú Vang đến với du khách trong và ngoài nước với nhiều hình thức, nhất là quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Tham gia thường xuyên các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch; phối hợp với các ngành, các đơn vị lữ hành để giới thiệu các điểm đến, xây dựng các tour, tuyến.. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình quảng bá du lịch, như: Festival Thuận An biển gọi, tổ chức các lễ hội (vật làng Sình, cầu ngư), các hoạt động thể thao biển,… Sớm đầu tư xây dựng Website về du lịch biển và đầm phá của huyện.
Không ngừng mở rộng và phát triển thị trường du lịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế nhằm thu hút được nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực du lịch vào cuộc.
4. Quan tâm đào tạo, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về chương trình phát triển du lịch; giáo dục cho người dân có ý thức ứng xử văn hóa đối với du khách, xây dựng môi trường du lịch lành mạnh. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác du lịch cũng như trang bị một số kỹ năng cơ bản cho đội ngũ phục vụ trực tiếp du khách. Tuyển dụng cán bộ có nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch để bố trí ở cơ quan tham mưu cho UBND huyện.
5. Chú trọng đa dạng hoá sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ra các sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng của huyện Phú Vang, có giá cả hợp lý, bình dân, được thị trường khách nội địa chấp nhận. Tổ chức các hoạt động du lịch lễ hội truyền thống. Nghiên cứu đổi mới "Festival Thuận An biển gọi" theo hướng hiệu quả. Phát huy giá trị các lễ hội văn hóa dân gian truyền thống; bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận, xếp hạng,... để hình thành các điểm dịch vụ, du lịch nhằm phục vụ tốt du khách khi đến tham quan trên địa bàn. Chú trọng phát triển sản xuất những sản phẩm phục vụ ẩm thực đặc trưng thành đặc sản của đầm phá Phú Vang, nhằm góp phần vào việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
6. Gắn phát triển dịch vụ du lịch với công tác bảo vệ môi trường biển, đầm phá, nhất là khu vực các bãi tắm trọng điểm, khu vực đầm phá, khu dân cư ven đầm phá, các khu có dịch vụ du lịch. Phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn tài nguyên, môi trường và văn hóa địa phương, đảm bảo việc khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch biển phục vụ các mục tiêu phát triển lâu dài. Bảo tồn và phát triển dải rừng sinh thái ngập mặn ven biển tại khu vực Cồn Sơn, resort Tam Giang- Thuận An, khu rừng ngập mặn Cồn Chìm. Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển từ Thuận An đến Vinh An. Thực hiện đánh giá tác động đối với môi trường và triển khai việc giám sát các dự án khi đi vào hoạt động.
7. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền và phát huy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội đối với phát triển dịch vụ, du lịch biển và đầm phá. Tạo sự gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch. Liên kết với các địa phương khác để quảng bá hoạt động du lịch. Tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể du lịch của huyện, quy hoạch đầm Sam Chuồn và các bãi biển làm cơ sở cho kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dịch vụ du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí ven biển, đầm phá.