Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nghị quyết của UBND huyện Phú Vang về tiếp tục nâng cấp và phát triển đô thị Thuận An mở rộng, Phú Đa và xã Vinh Thanh
Ngày cập nhật 17/10/2019

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ Sáu họp ngày 14/10/2016 quyết nghị Nghị quyết về tiếp tục nâng cấp và phát triển đô thị Thuận An mở rộng, Phú Đa và xã Vinh Thanh, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU.

1. Quan điểm.

Lãnh đạo thực hiện nâng cấp và phát triển đô thị phải tuân thủ theo quy hoạch đã được phê duyệt; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển đô thị với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; tạo động lực trong phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với liên kết vùng và giao thông lan tỏa trong quá trình phát triển; đầu tư xây dựng các dự án công trình bảo đảm đúng theo quy hoạch, quy chuẩn về kiến trúc, mật độ, môi trường, mỹ quan đô thị,... bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, phát triển cũng như cải tạo, chỉnh trang đô thị; quy hoạch không những phải đáp ứng yêu cầu cao về tạo dựng chất lượng không gian đô thị, mà còn phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.

2. Mục tiêu.

Tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị Thuận An mở rộng, thị trấn Phú Đa, đô thị mới Vinh Thanh. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn huyện đạt trên 45%; đô thị loại IV Thuận An thành Thị xã và là một trong các trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai; phát triển đô thị Phú Đa xứng tầm là trung tâm huyện lỵ; xây dựng xã Vinh Thanh đạt đô thị loại V. 

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN.

1. Đô thị Thuận An mở rộng.

Thực hiện tốt định hướng phát triển đô thị của tỉnh, trong đó xây dựng đô thị Thuận An trở thành thị xã, gồm thị trấn Thuận An hiện tại và mở rộng thêm 07 xã thuộc huyện Phú Vang (Phú Thuận, Phú An, Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mỹ, Phú Thanh, Phú Mậu), với diện tích 7.395 ha, trong đó: Diện tích khu vực nội thị (thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận) 2.445 ha.

Đầu tư đồng bộ đô thị Thuận An mở rộng đáp ứng “là trung tâm du lịch sinh thái biển; là trung tâm dịch vụ cảng biển, phát triển dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp sửa chữa đóng tàu và chế biến thủy, hải sản tỉnh Thừa Thiên Huế; là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng đầm phá Tam Giang”.

1.1. Hướng phát triển không gian đô thị.

Mở rộng đô thị về 3 hướng: Chủ yếu về phía Đông (Phú Thuận), phía Tây (Phú Thanh, Phú Dương), phía Nam (Phú An, Phú Thượng, Phú Mỹ), các khu vực này có các điều kiện thuận lợi về quỹ đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá phát triển.

Không gian thị trấn Thuận An dự kiến phát triển theo dạng tuyến, lấy trục từ khu đô thị An Vân Dương qua khu vực trung tâm hành chính và kéo dài ra phía biển Thuận An làm trục chủ đạo, giới hạn phát triển phía Bắc giáp với sông Hương và phía Nam giáp với không gian đầm phá Tam Giang, phía Đông giáp với Biển Đông, phía Tây giáp với sông Như Ý.

1.2. Phân khu chức năng.

- Khu dân cư: Dự kiến phân thành 04 khu đô thị chính, gồm: Khu vực I - thị trấn Thuận An khu vực ven biển; Khu vực II đô thị Phú Thuận; Khu vực III - đô thị Thuận An và Phú Thanh mở rộng; Khu vực IV - khu đô thị An Vân Dương khu C và phần mở rộng của các xã Phú An, Phú Dương, Phú Thượng và Phú Mỹ.

- Tiểu thủ công nghiệp: Cụm TTCN Thuận An bao gồm khu Cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô khoảng 14,5 ha, tập trung chủ yếu các ngành chế biến thủy sản, sửa chữa tàu thuyền, sấy cá khô, mực khô.

- Dịch vụ du lịch, vui chơi giải  trí: Xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái Tam Giang và Khu nghỉ dưỡng nước nóng Mỹ An sát đường Quốc lộ 49A.

- Văn hoá thể thao: Xây dựng hoàn thiện trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao tại thị trấn Thuận An .

- Y tế: Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở y tế ở cấp xã, phường và Bệnh viện đa khoa Thuận An.

- Giáo dục và đào tạo: Xây dựng và hoàn chỉnh các trường Mầm non, trường Tiểu học, THCS và THPT.

- Khu cơ quan hành chính: Xây dựng mới trung tâm hành chính có vị trí hướng ra không gian cảnh quan đầm phá, thuộc khu vực Phú Tân và nằm trên trục trung tâm từ khu đô thị An Vân Dương về phía biển Thuận An.

- Khu thương mại dịch vụ: Công trình thương mại dịch vụ chủ yếu ở phía Bắc cầu Thuận An mới. Một số cơ sở bố trí trên tuyến Quốc lộ 49A mới (đường chợ Mai - Tân Mỹ). Xây dựng tuyến trung tâm thương mại dịch vụ dọc Quốc lộ 49A, B và thành lập các trung tâm tại các vị trí cửa ngõ đô thị.

- Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các tuyến đường, cây xanh cách ly, sinh thái phòng hộ: Chủ yếu ven biển, ven hệ thống đầm phá và xung quanh các tuyến, cụm TTCN, hành lang cách ly dọc các tuyến điện cao thế,…

2. Đô thị Phú Đa.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, chỉnh trang các khu dân cư hiện có, phát triển các khu dân cư mới,... để hoàn thiện đô thị loại V thị trấn Phú Đa xứng tầm là trung huyện lỵ huyện Phú Vang.

2.1. Hướng phát triển không gian đô thị.

Lấy khu vực huyện lỵ Phú Đa (Tổ dân phố Hoà Đa Tây) hiện nay làm trọng tâm để phát triển, mở rộng thêm các khu vực ở Tổ dân phố Viễn Trình, Lương Viện, Đức Thái, Nam Châu và Trường Lưu.

Phát triển đô thị dựa theo các yếu tố địa hình tự nhiên, chạy dọc theo tuyến đường Tỉnh lộ 10C, 10B, 10D và đường Phú Thứ - Lương Viện.

Phát triển trục cảnh quan và là điểm nhấn của đô thị trong quá trình phát triển ở khu vực Tổ dân phố Đức Thái.

2.2. Phân khu chức năng.

- Trung tâm Hành chính: Giữ nguyên vị trí Trung tâm hành chính huyện hiện nay.

- Khu Công nghiệp: phát triển khu công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết 224 ha để thu hút các nhà đầu tư.

- Trung tâm Văn hoá, TDTT: Giữ nguyên khu trung tâm văn hoá của huyện ở vị trí cũ (Tổ dân phố Hoà Đa Tây) và nhà đa năng huyện.

- Trung tâm Thương mại Dịch vụ: Phát triển theo mô hình phân tán, chủ yếu bám vào các trục đường chính của đô thị và các điểm trung tâm của các khu vực như: khu vực Đức Thái, Viễn Trình, Lương Viện, Bến sông Đại Giang.

- Trung tâm Giáo dục - Đào tạo: 01 trường THPT, 01 trường THCS, 3 trường Tiểu học, 02 trường Mầm non; đầu tư nâng cấp và mở rộng để đạt chuẩn quốc gia.

- Y tế: Hoàn chỉnh Trạm y tế và đầu tư trang thiết bị đầy đủ để phục vụ. Mở rộng Bệnh viện huyện nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

- Trung tâm Du lịch và dịch vụ Du lịch: Xây dựng các khu du lịch sinh thái kết hợp với đầm phá ở khu vực Lương Viện, với diện tích khoảng 50-60ha, khu vực bến sông Đại Giang.

- Khu công viên, cây xanh: Xây dựng các tuyến hành lang cây xanh đảm bảo cách ly giữa khu công nghiệp và khu nhà ở của dân; đầu tư xây dựng Quãng trường huyện.

- Khu dân cư: Xây dựng 4 khu đô thị; tương đương quy mô mỗi khu khoảng 2.000 - 5.000 dân; mỗi khu có quy hoạch, bố trí các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh.

3. Tại xã Vinh Thanh.

Tập trung quy hoạch và thực hiện phát triển đô thị mới Vinh Thanh theo hướng mang đặc sắc riêng của một đô thị ven biển, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, phát triển bền vững; đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian kiến trúc cảnh quan; phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, nhất là du lịch, thương mại, dịch vụ. Hiện nay, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư 3 dự án gồm: Dự án “Học viện Golf miền Trung” tại các xã Vinh Thanh và Vinh Xuân với quy mô 200 ha; Dự án “Khu hỗn hợp khách sạn, resort, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nhà ở” tại các xã Vinh Thanh, Vinh Xuân với quy mô 200ha; Dự án “Khu nghĩ dưỡng SBH Huế” tại xã Vinh Thanh, Vinh An với quy mô 50ha.

3.1. Hướng phát triển không gian đô thị.

Tập trung phát triển không gian đô thị theo hướng tổ chức các khu chức năng dọc theo các tuyến giao thông Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 18 và trục đường cảnh quan đô thị nối không gian biển và vùng đầm phá; không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đảm bảo các tiêu chí của đô thị bền vững. Ưu tiên quỹ đất cho các khu chức năng tạo động lực phát triển của đô thị bao gồm: Khu trung tâm đô thị, các khu dân cư, du lịch, dịch vụ. Hạn chế lấy đất nông nghiệp, khai thác hiệu quả các quỹ đất hiện có.

Cấu trúc không gian đô thị được hình thành dựa trên các trục giao thông: Quốc lộ 49B, Tỉnh lộ 18. Trục cảnh quan đô thị hình thành trên cơ sở các không gian đặc thù như khu vực ven biển, đầm phá Tam Giang và khu cảnh quan Trằm Sen, nhằm tạo nét đặc trưng riêng cho đô thị.

3.2. Phân khu chức năng.

- Khu vực tại nút giao Quốc lộ 49B và Tỉnh lộ 18 được tổ chức thành trung tâm đô thị với các chức năng như hành chính, thương mại, công viên cây xanh, các khu ở mới và khu dân cư chỉnh trang.

- Khu vực tại nút giao Quốc lộ 49B và trục cảnh quan đô thị là khu vực phát triển trung tâm đô thị với các chức năng như hành chính, văn hóa, giáo dục, dịch vụ thương mại, thể dục - thể thao và các khu dân cư.

- Khu vực ven biển được tổ chức phát triển các chức năng như dịch vụ thương mại, khu vực bãi tắm công cộng và khu ở mới.

- Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường quy hoạch như: hệ thống thoát nước, vĩa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, hạ tầng bãi tắm,...

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và quy hoạch khu đô thị An Vân Dương để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình của huyện trong từng giai đoạn.

Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch theo hướng hiệu quả, tiết kiệm đất, nhất là đất hiện nay đang canh tác có hiệu quả gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương phối hợp chỉ đạo chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện quy hoạch nhằm tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ.

2. Về cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển của Trung ương, của tỉnh, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư nâng cấp và phát triển đô thị; trong đó ưu tiên cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực đô thị Thuận An mở rộng. 

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án.

Điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, chủ động quỹ đất cho phát triển đô thị.

3. Về quản lý và phát triển đô thị.

Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp về quản lý đô thị. Thành lập các tổ, đội quản lý đô thị để tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ việc xây dựng các công trình của các tổ chức Nhà nước và nhà ở của nhân dân đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch về chỉ giới xây dựng, chiều cao công trình, các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được quy hoạch; về quản lý điện chiếu sáng, hệ thống cấp thoát nước đô thị, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Nâng cao năng lực quản lý và xây dựng phát triển đô thị: Tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, cập nhật thông tin cho cán bộ có liên quan về quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND huyện và thị trấn để quản lý tốt quy hoạch được duyệt, hướng dẫn nhân dân, các cơ quan thực hiện theo quy hoạch.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nếp sống văn minh đô thị; về quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cung cấp đầy đủ các thông tin về quy hoạch để người dân có thể tận dụng các cơ hội mà quy hoạch có thể đem lại. Triển khai quy hoạch chi tiết các khu dân cư, các khu chức năng theo quy hoạch xây dựng giai đoạn đầu để làm cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng đô thị; quản lý và đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đi đôi với quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đô thị.

Đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án quy hoạch theo hướng mở rộng phát triển không gian đô thị, cải tạo và xây dựng các khu dân cư, công nghiệp, cụm TTCN, huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông đô thị và các công trình phúc lợi công cộng. Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu dân cư dọc các trục đường chính và các khu dân cư cải tạo nâng cấp; đồng thời đặc biệt quan tâm đến chính sách nhà ở cho nhân dân, nhất là ở thị trấn Phú Đa để thu hút dân cư, có quy hoạch và kế hoạch xây dựng nhà ở diện tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng các công trình đầu tư xây dựng.

4. Giải pháp huy động và phân bổ vốn thực hiện.

Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn từ các chương trình dự án, nguồn vốn tín dụng đầu tư của các ngân hàng thương mại. Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án nâng cấp và phát triển đô thị cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo sức thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển một cách đồng bộ hoàn chỉnh.

Tích cực huy động mọi nguồn vốn trong và nước ngoài, vốn vay ưu đãi, vốn ngân sách và nhân dân tự đóng góp. Đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, có những chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, nguồn thu cho ngân sách, thu hút lao động từ nơi khác đến sinh sống và làm việc.

Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020: 3.380 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách tỉnh, Trung ương: 1.350 tỷ đồng; Ngân sách huyện, xã: 130 tỷ đồng; Doanh nghiệp: 1.100 tỷ đồng; Nhân dân: 900 tỷ đồng.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 942.205
Truy cập hiện tại 17