Tìm kiếm tin tức
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Nghị quyết của UBND huyện Phú Vang Về phát triển Công nghiệp - TTCN và ngành nghề nông thôn của huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025
Ngày cập nhật 17/10/2019

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ Tư họp ngày 05/4/2016 quyết nghị Nghị quyết về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp và ngành nghề nông thôn của huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu sau:

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ Tư họp ngày 05/4/2016 quyết nghị Nghị quyết về phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp và ngành nghề nông thôn của huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU.

1. Quan điểm.

Phát triển công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thực hiện sự công bằng và liên kết giữa đô thị với nông thôn; đảm bảo hài hòa với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát triển công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn phải có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trên cơ sở đa dạng hóa ngành nghề, quy mô và công nghệ sản xuất; chú trọng nâng cao hiệu quả công nghiệp chế biến và công nghiệp dệt may, làng nghề truyền thống; đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường, khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có ở địa phương, đồng thời thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài gắn với việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

2. Mục tiêu.

2.1. Mục tiêu chung.

Phát triển công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động để từng bước nâng cao mức sống của nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Phát triển công nghiệp, TTCN, ngành nghề có tính liên kết ở vùng nông thôn, hình thành được nhiều vùng dân cư có nghề và làng nghề sản xuất quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Kết hợp du lịch, các hoạt động văn hóa, bảo tồn các lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa để từng bước phát triển làng nghề trên cơ sở nâng cấp, cải tạo hạ tầng để phục vụ phát triển sản xuất, tạo điều kiện thu hút du khách và tiếp cận sản phẩm làng nghề.

2.2. Mục tiêu cụ thể.

2.2.1. Chỉ tiêu đến năm 2020.

- Giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN - xây dựng đến năm 2020 tăng bình quân: 13,22%, chiếm tỷ trọng 33,71% trong cơ cấu kinh tế (trong đó, giá trị sản xuất Công nghiệp - TTCN tăng 11,47% (giá hiện hành).

- Phấn đấu tạo thêm việc làm thường xuyên cho 5.500 lao động, đưa số lao động có việc làm lên 14.500 lao động (trong đó, lao động khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp chiếm 4.500 lao động, lao động TTCN ở các địa phương chiếm 1.000 lao động).

- Phấn đấu có từ 01 đến 03 cơ sở công nghiệp nông thôn được chứng nhận bảo hộ do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Tập trung cho các ngành nghề như: nước mắm, mộc mỹ nghệ, tương ớt,...

- Xây dựng Website giới thiệu về đặc sản truyền thống.

- Phấn đấu đến năm 2020 có 05 điểm TTCN tập trung.

- Quy hoạch xây dựng khu hậu cần nghề cá tại xã Phú Hải và thị trấn Thuận An.

2.2.2. Chỉ tiêu định hướng đến năm 2025.

- Phấn đấu tạo thêm việc làm thường xuyên cho 6.500 lao động, đưa số lao động có việc làm lên 21.000 lao động (trong đó, lao động ở khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp chiếm 5.500 lao động, lao động TTCN ở các địa phương chiếm 1.000 lao động).

- Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản xây dựng được các thương hiệu đặc sản truyền thống ngành nghề, TTCN trên địa bàn. Phát huy giá trị của các thương hiệu đặc sản đã được xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM.

Phát triển hợp lý hệ thống công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn đa dạng về quy mô và phù hợp với nguồn lực, lợi thế vùng, địa phương. Thực hiện phát triển công nghiệp, TTCN, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:

 1. Về định hướng phát triển Công nghiệp.

1.1. Khu Công nghiệp Phú Đa.

Kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu Công nghiệp như: hệ thống điện, đường, nước, thông tin liên lạc; xây dựng mới cầu Phú Thứ, nâng cấp mở rộng đường Tỉnh lộ 10B (đoạn qua khu Công nghiệp).

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, sử dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tập trung phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ sản xuất tiên tiến bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Phối hợp với Ban quản lý các khu Công nghiệp tỉnh tiếp tục vận động, quảng bá và tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất. Có chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại khu Công nghiệp Phú Đa, như: thực hiện ưu đãi về thuê đất, công tác đền bù giải phóng mặt bằng để giao đất sạch cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Tập trung thu hút đầu tư ngành nghề cơ khí, điện tử,…

1.2. Cụm Công nghiệp Thuận An.

Tiến hành lập Đề án thành lập Cụm Công nghiệp Thuận An trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Sau khi được phê duyệt Đề án, tiến hành quy hoạch chi tiết để hình thành Cụm Công nghiệp với quy mô 14,5 ha.

Về lộ trình đầu tư, trong năm 2017, tập trung giải phóng mặt bằng, san nền từ 02 - 03 ha để tạo điều kiện cho các cơ sở CN - TTCN vào đầu tư sản xuất. Tiếp tục huy động vốn để đầu tư trục giao thông chính vào Cụm Công nghiệp, cấp thoát nước, điện và một số hạng mục thiết yếu.

Tiến hành đầu tư hạ tầng theo hình thức cuốn chiếu, từng giai đoạn. Chia Cụm Công nghiệp thành những module nhỏ để đầu tư hạ tầng và các hạng mục thiết yếu; đồng thời, sử dụng kinh phí thuê đất của doanh nghiệp và kinh doanh hạ tầng để tiếp tục đầu tư cho các module tiếp theo cho đến khi đầu tư hết Cụm Công nghiệp.

2. Về định hướng phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn.

2.1. Định hướng phát triển theo từng địa phương.

Trên cơ sở lợi thế về địa lý, lịch sử, xã hội để định hướng phát triển, du nhập các ngành nghề mới phù hợp với từng địa phương. Phấn đấu đến năm 2020 có 03 - 05 điểm TTCN, ngành nghề, cụ thể: Phú Thuận, Phú Hải: 01 điểm; Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thượng: 01 điểm; Phú An, Phú Mỹ: 01 điểm; Phú Diên, Vinh Xuân: 01 điểm; Vinh Thanh, Vinh An: 01 điểm, với quy mô mỗi điểm từ 01 - 02 ha.

Tiến hành quy hoạch phát triển vùng đối với các ngành nghề truyền thống trên địa bàn huyện theo hướng tập trung ở những địa phương có lợi thế, có trọng điểm gắn với đổi mới, mở rộng quy mô sản xuất, ưu tiên các nghề có điều kiện phát triển như sửa chữa tàu thuyền, mộc mỹ nghệ, chế biến hải sản, sản xuất rượu, trồng nấm, chế biến ớt, xay xát...

2.2. Định hướng phát triển theo từng ngành.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hình thành những sản phẩm công nghiệp chủ lực có trình độ công nghệ tiên tiến, có năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa...gắn với đổi mới công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm các ngành và xây dựng nhãn mác hàng hóa, tăng cường xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường các sản phẩm đã có thương hiệu, xây dựng các thương hiệu mới, tạo thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Phát triển nghề và làng nghề TTCN, trong đó cần tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn nhân công tại chỗ, trực tiếp tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho dân cư. Xây dựng cơ sở hạ tầng cụm Công nghiệp và làng nghề trở thành các trung tâm thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học. Gắn phát triển nghề và làng nghề với phát triển du lịch và xuất khẩu.

 Tiến hành đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn tại các làng nghề được công nhận trên địa bàn: làng nghề chế biến nước mắm Phú Thuận và Làng Trài- Phú Hải; làng nghề trồng nấm Phú Lương; làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên- Phú Mậu; làng nghề chằm nón lá Mỹ Lam- Phú Mỹ và hình thành các làng nghề mới. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo ngành nghề truyền thống và cả nghề mới du nhập.

Xây dựng các thương hiệu đặc sản truyền thống của các địa phương. Mỗi thương hiệu chọn ra 01 cơ sở điển hình để tập trung đầu tư phát triển và vận động các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ liên kết với nhau cùng dùng chung một nhãn hiệu tập thể, nhằm xây dựng phát triển thương hiệu chung. Cơ sở đầu mối có vai trò làm đầu tàu bao tiêu sản phẩm của các hộ sản xuất nhỏ lẻ để cung ứng ra thị trường.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp, điểm TTCN và định hướng phát triển các vùng, các ngành nghề nông thôn để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.

Tăng cường công tác quản lý và thực hiện quy hoạch theo hướng hiệu quả, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương phối hợp chỉ đạo chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện quy hoạch nhằm tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ.

2. Giải pháp về cơ chế, chính sách.

Trên cơ sở các chính sách hỗ trợ phát triển của Trung ương, của tỉnh,   xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn của địa phương nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn, trong đó ưu tiên cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực công nghiệp.  

Nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế hỗ trợ vốn, lãi suất, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng quảng bá thương hiệu.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính theo hướng giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép, phê duyệt dự án; tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho đền bù, các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Điều chỉnh, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, chủ động quỹ đất để thu hút đầu tư. Có chính sách giao đất sạch cho một số dự án trọng tâm, trọng điểm về phát triển công nghiệp; giải quyết kịp thời những khiếu nại liên quan đến đất đai, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư.

3. Giải pháp về nguồn vốn thực hiện.

Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn từ các chương trình dự án, nguồn vốn tín dụng đầu tư của các ngân hàng Thương mại, Nông nghiệp& PTNT và chính sách xã hội. Áp dụng nhiều hình thức vay vốn linh hoạt nhằm khai thác tốt nội lực trong các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất TTCN.

Huy động và bố trí nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp - TTCN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025: 119,05 tỷ đồng (trong đó: giai đoạn 2016 - 2020: 65,75 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025: 53,3 tỷ đồng).

- Cơ cấu nguồn vốn và bố trí đầu tư:

+ Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (khoảng 69,1 tỷ đồng): Tổ chức thực hiện quy hoạch; đầu tư, hỗ trợ các dự án nằm trong các danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống cấp, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải; hỗ trợ chuyển đổi, đào tạo nghề đối với người dân trong vùng trọng điểm về phát triển công nghiệp, TTCN.

+ Nguồn vốn từ doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân (khoảng 49,95 tỷ đồng): Cùng với Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ở các điểm TTCN, làng nghề; đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng, phát triển và quảng bá các thương hiệu.  

4. Đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp- TTCN.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn, nâng cao chất lượng công tác đào tạo theo hướng hiệu quả, thiết thực, hợp lý, gắn đào tạo với sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển đổi lao động từ lĩnh này sang lĩnh vực khác.  

Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước, các chủ doanh nghiệp. Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm để chuyển giao kinh nghiệm và truyền nghề cho người lao động của các cơ sở sản xuất TTCN và các làng nghề. Tổ chức cho các chủ cơ sở, cá nhân có tâm huyết với nghề đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển làng nghề ở các địa phương trong và ngoài tỉnh để học tập, du nhập phát triển làng nghề mới trên địa bàn.

Xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập.

5.  Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường.

Tăng cường công tác thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư; xây dựng chiến lược quảng bá các sản phẩm đặc trưng để thu hút đầu tư. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh để quảng bá hình ảnh, sản phẩm của Phú Vang.  

Tham gia các hội nghị giới thiệu, quảng bá do tỉnh tổ chức để giới thiệu các tiềm năng thế mạnh, các chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư phát triển TTCN và các làng nghề trên địa bàn.

6. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và gắn phát triển Công nghiệp - TTCN với bảo vệ môi trường.

Khuyến khích các cơ sở sản xuất Công nghiệp, TTCN và các làng nghề đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ sản xuất tiên tiến, những ngành nghề mới, các mô hình, kinh nghiệm về sản xuất và quản lý trên phương tiện thông tin đại chúng để tạo điều kiện các chủ cơ sở sản xuất và người lao động nắm bắt để sản xuất có hiệu quả.

Thực hiện đúng theo Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ đầu tư các dự án Công nghiệp - TTCN, ngành nghề nông thôn lập báo cáo đánh giá sự tác động đối với môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản cũng như xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo quy định, tránh gây ô nhiễm.

7. Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn.

Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền; vai trò tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về vai trò của công nghiệp, TTCN và ngành nghề nông thôn trong trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng ý thức và tạo sự đồng thuận trong nhân dân về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, TTCN và ngành nghề  nông thôn.

Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư các dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 942.196
Truy cập hiện tại 14