Ngày 29/4, Hội Nón lá Huế phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation, Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam tổ chức hội nghị: “Bảo tồn và Phát triển giá trị văn hóa nghề nón lá Huế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”. Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, các doanh nghiệp, tiểu thương, các nhà nghiên cứu tham dự.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nón lá Huế, Thừa Thiên Huế đã và đang tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp mang tính sáng tạo để phát triển thương hiệu cho làng nghề trong thời kỳ hội nhập, nhưng vẫn bảo tồn được nghề làm nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và thương mại hóa sản phẩm.
Nón lá Huế được xem là sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô và là một trong những vật phẩm làm quà tặng của nhiều du khách khi đến Huế. Các cơ sở làm nón nghệ thuật trên địa bàn tỉnh đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, nằm trong các tour du lịch, tạo sức hút riêng đối với du khách, nhất là khách quốc tế trong hành trình khám phá Cố đô.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học đã bày tỏ về những khó khăn, thách thức và cơ hội để thúc đẩy nghề nón lá Huế; đề xuất các giải pháp giúp nón lá Huế trở thành một động lực phát triển bền vững kinh tế địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nón lá Huế trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, các cam kết của các ban, ngành trong tỉnh trong hỗ trợ Hội Nón lá đã thúc đẩy, quảng bá hình ảnh, thương hiệu nón lá Huế.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ, với những giá trị truyền thống, văn hóa, nón lá là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8/2010. Việc xác lập quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nón lá Huế là bước khởi đầu quan trọng cho việc phát triển giá trị thương hiệu nón lá Huế.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển nghề nón lá Huế đề nghị Hội Nón lá và các ban, ngành liên quan tiếp túc phối hợp, phát huy thương hiệu được công nhận; duy trì và củng cố một số làng nghề để nón lá vẫn là vật dụng được sử dụng trong đời sống, trong thời trang, trở thành một trong những món quà lưu niệm không thể thiếu của du khách khi đến Huế; nón lá tiếp tục đồng hành cùng áo dài trong quá trình xây dựng thương hiệu áo dài. Cũng như mong muốn có nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển, góp phần giữ gìn thương hiệu nón lá Huế, phát huy giá trị nghề truyền thống Huế, giữ gìn bản sắc văn hóa Huế trong thời kỳ hội nhập…
Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết ghi nhớ phối hợp và hỗ trợ Hội Nón lá thực hiện Kế hoạch hoạt động đến năm 2025.