Sáng ngày 08/12/2022, tại Lễ trao giải thưởng Make in Viet Nam năm 2022 nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 2022 (VFTE 2022) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội, “Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)” vinh dự giành được Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022 ở Top 10 Hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số.
Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” là Giải thưởng chính thức trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông, được Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xét và trao tặng hàng năm cho các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, giải các bài toán Việt Nam và thời đại.
Đây là năm thứ ba Giải thưởng được tổ chức nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân và doanh nghiệp lên môi trường số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Giải thưởng đã thu hút hơn 200 hồ sơ đăng ký tham gia dự thi. Qua quá trình xem xét, đánh giá khoa học, khách quan, Ban Tổ chức đã chọn ra 40 cái tên xứng đáng nhất để vinh danh tại Lễ trao giải thưởng Make in Viet Nam năm 2022 ở 4 hạng mục: Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số; Sản phẩm số xuất sắc cho Kinh tế số; Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số; Sản phẩm số tiềm năng. Mỗi hạng mục giải thưởng có các giải Vàng, Bạc, Đồng và Top 10. Trong đó, “Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S)” vinh dự lọt vào Top 10 Hạng mục Sản phẩm số xuất sắc cho Xã hội số.
Giấy chứng nhận nền tảng Hue-S đạt Top 10 sản phẩm số xuất sắc cho xã hội số
Ra đời từ năm 2019, Hue-S là một nền tảng xã hội số, là điển hình trong việc xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại, vì nhân dân phục vụ. Thông qua Hue-S, hơn 23 dịch vụ đô thị thông minh được triển khai vừa giải quyết vấn đề loạn ứng dụng cho người dân, vừa thiết lập được kênh kết nối thống nhất giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Hue-S đã có hơn 800.000 lượt tải ứng dụng.
Phản ánh hiện trường là một trong những dịch vụ tiên phong và nổi bật trên nền tảng Hue-S. Đến nay, đã có trên 80.000 phản ánh đã được tiếp nhận xử lý, 230 đơn vị tham gia vào hệ thống, tỷ lệ đánh giá hài lòng đạt gần 80%. Thời gian giải quyết các vụ việc giảm đến hơn 60%-70%, có những vấn đề giảm đến hơn 90% thời gian so với trước đây. Qua đó đã hình thành quy trình số trong giải quyết các vấn đề xã hội; cắt giảm khâu hành chính đơn, thư, trình của người dân.
Bên cạnh đó, Hue-S còn hỗ trợ kịp thời cho người dân trong phòng, chống thiên tai, bão lụt, dịch bệnh COVID-19, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; góp phần quan trọng trong việc hình hành xã hội số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong thời gian qua, Hue-S đã tích hợp thành công giải pháp thanh toán số qua ví điện tử, tạo thêm tiện ích cho người dân không phải tải quá nhiều ứng dụng, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Với phiên bản mới Hue-S đã và đang tích hợp thêm nhiều dịch vụ đô thị thông minh phục vụ nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng người dùng với giao diện và chức năng riêng biệt, bao gồm: công dân, doanh nghiệp, nhà nước và khách du lịch. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế theo Nghị quyết về chuyển đổi số của Tỉnh ủy.
Ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại tỉnh Thừa Thiên Huế
giữa Trung tâm IOC Huế và Tập đoàn FPT