(CTTĐT) - Tối 23/9, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật Áo dài – Festival Huế 2024 “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả, du khách trong nước và quốc tế.
Chương trình Áo dài “Linh Phụng” trong khuôn khổ lễ hội mùa Thu là một chuỗi những câu chuyện sống động về huyền thoại chim phụng gắn với áo dài Huế được thể hiện bằng ngôn ngữ của Thời trang, Âm nhạc, Vũ khúc kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác…
Hình tượng chim phụng có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành đề tài quen thuộc trong kiến trúc, điêu khắc và trang trí truyền thống của dân tộc. Có một hình ảnh rất đẹp thường gặp trong kiểu trang trí cung đình Huế là phượng hoàng đậu trên cây ngô đồng. Ngô đồng là giống cây quý, cũng là loài cây duy nhất mà phượng hoàng chọn để đậu. Phượng hoàng xuất hiện là sự báo điềm lành, là sự khởi đầu của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái dân an. Từ nghệ thuật truyền thống, linh vật rồng – phượng đã đi vào mỹ thuật cung đình, được tối ưu hóa để mang hình ảnh của quyền lực tối cao của vương quyền, nhưng đồng thời cũng là biểu trưng cho sự khai mở, cho khát vọng một xã hội thái bình, thịnh trị.
Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 “Linh Phụng” đã thể hiện đậm nét sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại
Chương trình được kết cấu thành 3 chương, Chủ đề mỗi chương là một câu chuyện kể về huyền thoại con chim Phượng.
Phụng Vũ: Thể hiện sự thanh bình của đất nước, hạnh phúc của nhân dân trong cảnh quốc thái, dân an. Chim phụng xuất hiện báo hiệu những điều tốt lành, hạnh phúc…;
Linh Phụng: “Ngày nay thánh chúa trị đời,/ nguyền cho linh phụng gặp nơi ngô đồng” (Lục Vân Tiên). Theo truyền thuyết, Phượng hoàng chỉ xuất hiện vào những thời đại thịnh trị, hình tượng phụng là một hình ảnh nhẹ nhàng, tao nhã với những ý nghĩa tinh thần sâu lắng và cao quý. Trong mỹ thuật Huế, Phụng như hòa mình cùng hoa trái, trở nên gần gũi mà vẫn linh thiêng, quý phái... Mai hóa phụng, Cúc hóa phụng và mây ngũ sắc, Lan hóa thành chim Phụng, Mẫu đơn đỏ hóa phụng, Quả hóa phụng.. tạo ra một sự kết hợp sinh động, bộc lộ bao gửi gắm của người xưa về cuộc sống an nhàn, thanh tao, đầm ấm, nhấn mạnh tính “hóa” đầy triết lý.
Bách Phụng cát tường: Trăm con chim phụng cùng bay lên, biểu tượng cát tường, được xem là khát vọng của cuộc sống bình yên, của thời đại thái bình... mưa thuận - gió hòa; mùa màng thuận lợi; thái bình - thịnh trị, quốc thái dân an. Gắn kết với những tà áo dài qua năm tháng của một thành phố phát triển bền vững, đẹp tráng lệ mà cũng thực hào hùng…
Lễ hội Áo dài "Linh phụng" đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả, du khách
Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 “Linh Phụng” đã thể hiện đậm nét sự kết hợp hoàn hảo giữa truyền thống và hiện đại. Chương trình quy tụ các nhà thiết kế áo dài hàng đầu Việt Nam, từ Hà Nội, Huế, đến TP. Hồ Chí Minh. Các nhà thiết kế đã trình diễn những bộ sưu tập áo dài đặc biệt, lấy cảm hứng từ hình tượng "Phụng" trong kiến trúc và trang phục cung đình nhà Nguyễn, kết hợp với vẻ đẹp hiện đại của áo dài Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật Áo dài Huế 2024 “Linh Phụng” tạo cơ hội gặp gỡ và tỏa sáng vẻ đẹp Huế gắn với xây dựng và phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc. Chương trình được dàn dựng công phu, với âm nhạc, vũ điệu và thời trang độc đáo, đã mang đến cho khán giả một đêm nghệ thuật khó quên.
Ban tổ chức tặng hoa cho các nhà tài trợ tại chương trình
Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật: