Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những chương trình, kế hoạch trong công tác giảm nghèo bền vững phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đặc biệt, việc phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đã được các dòng họ, dòng tộc, làng, bản và người dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Số hộ nghèo toàn tỉnh tuy có giảm hàng năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 11.735 hộ nghèo, trong đó có 3.949 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm tỷ lệ 3,56%, còn 2.518 nhà cần xây mới và sửa chữa. Nhiều địa phương, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, còn nguy cơ tái nghèo. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nguồn lực, kinh phí cho công tác giảm nghèo của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 03/11/2021 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 74-KH/TU, ngày 21/10/2022 về việc tổ chức Lễ phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” trên địa bàn toàn tỉnh. Chỉ đạo các huyện ủy, thị ủy và Thành ủy Huế xây dựng kế hoạch phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác giảm nghèo bền vững cho các tầng lớp nhân dân; huy động sự tham gia tích cực của các dòng họ, dòng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, người có uy tín, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị
Kết quả, đã có 09/09 huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức Lễ phát động, với 131/141 xã, phường, thị trấn tổ chức Lễ phát động . Thông qua Lễ phát động đã huy động được 5.913 triệu đồng để hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng các mô hình sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tại Lễ phát động, các dòng họ, dòng tộc, người có uy tín, trưởng thôn đã đánh giá cao việc triển khai thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” và thống nhất triển khai thực hiện trong dòng họ, dòng tộc, làng, bản mình. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thoát nghèo đối với từng hộ nghèo cụ thể.
Từ thực tiễn, một số địa phương đã lồng nghép các nội dung, có sự đổi mới, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện phong trào phù hợp với thực tế như: Thành ủy Huế triển khai phong trào “Dòng họ, dòng tộc không có hộ nghèo, người nghiện ma túy và trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật”. Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc phát động phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức tiết kiệm ít nhất một ngày một ngàn đồng” để giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo trên địa bàn huyện từ năm 2023 đến năm 2025; các xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo và không có ma tuý” góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với việc giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã hỗ trợ cho các hộ nghèo sửa chữa và xây dựng mới nhà ở, hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế, vốn sản xuất, giống cây con, gia súc, gia cầm … Từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã huy động được 15,683 tỷ đồng, cùng với nguồn quỹ năm 2021 chuyển sang, đã giúp đỡ cho người nghèo xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất,... với số tiền 17,850 tỷ đồng. Hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 438 ngôi nhà, trị giá 9,051 tỷ đồng. Hỗ trợ vốn sản xuất cho 231 hộ nghèo, trị giá 1,206 tỷ đồng. Hỗ trợ khác quy ra tiền 7,593 tỷ đồng. Qua đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”, tích cực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo trong các dòng họ, dòng tộc, làng, bản nỗ lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo GNBV tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đề nghị cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là giảm nghèo bền vững. Tại vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh đã có những phương án, cùng với nỗ lực to lớn của cấp ủy Đảng, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, “dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Sự quyết tâm nỗ lực trong hơn 1 năm qua của các dòng tộc, dòng họ trong giảm nghèo bền vững, đã cho thấy sự vươn lên xây dựng kinh tế, đời sống người dân sung túc hơn, có việc làm, xã hội bình yên hơn, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Qua đó, thể hiện được vai trò quan trọng của trưởng họ, người có uy tín…trong triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, góp phần lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cần nâng cao nhận thức của bà con, các hộ nghèo vươn lên; hỗ trợ đào tạo nghề cho bà con, tạo việc làm, tạo thu nhập là biện pháp căn cơ, lâu dài. Làm sao bà con có nhà ở và hỗ trợ việc làm. Các giải pháp hiện nay cần giảm nghèo theo tiêu chí, có phương án thoát nghèo cho từng hộ gia đình, lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả như hôm nay, với bộ mặt, diện mạo vùng nông thôn, đô thị đã có những khởi sắc; với sự vào cuộc của những người có uy tín, trưởng tộc, dòng họ; đổi mới tư duy nhận thức tự vươn lên thoát nghèo ở các hộ nghèo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kỳ vọng, A Lưới thoát được 74 huyện nghèo của cả nước, là niềm tự hào của mỗi dòng họ, địa phương, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cuộc vận động không dừng lại, tạo ra bộ mặt nông thôn mới, sức sống mới vươn lên giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần thực hiện phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” đi vào chiều sâu; chú trọng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp với điều kiện của mỗi dòng họ, dòng tộc, làng, bản.
Các đại biểu tham dự tại hội nghị