Tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hằng năm nước ta có hơn 2.000 trẻ nhỏ tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ nhỏ bị đuối nước khá cao. Trong đó, trẻ em vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, có tỉ lệ đuối nước cao hơn tại khu vực thành thị. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan và thiếu kinh nghiệm trong xử lí tình huống của phụ huynh khi trẻ nhỏ tham gia tắm, bơi tại vùng sông nước.
Để chủ động công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em nhằm hạn chế và giảm thiểu tối đa các trường hợp trẻ em bị tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và của ngành Giáo dục về phòng, chống tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh như: Công điện số 01/CĐ-UBQGVTE, ngày 20/4/2021 của Ủy ban Quốc gia về trẻ em về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em; Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Kế hoạch số 326/KH-BGDĐT ngày 01/4/2021 của Bộ GD-ĐT về việc triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh năm 2021… Trên cơ sở đó xác định việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em là nhiệm vụ quan trọng và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ hai: Huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Tổ chức rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trẻ em trên địa bàn như các công trình chứa nước, các khu vực hồ, ao, sông suối, mương nước, vùng nước sâu, nguy hiểm, hố nước, giếng nước, bể chứa nước, các công trình đang thi công, đặc biệt là các ao do hộ gia đình quản lí... để có biện pháp phòng ngừa kịp thời, bảo đảm an toàn cho trẻ em như: làm nắp đậy, rào chắn, đặt biển cảnh báo nguy hiểm, phân công lực lượng cảnh giới... tại các địa điểm, khu vực nguy hiểm.
Tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn” và “Cộng đồng an toàn”, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Thứ ba, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kĩ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh ở từng trường học, lớp học… để các em biết và tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống đuối nước cho bản thân.
Cần đưa nội dung giáo dục kĩ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, đoàn, đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và không an toàn như: sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác. Đề xuất lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn.
Thứ tư, Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng, thôn, xóm, tổ dân phố, trường học, lớp học kiến thức, kĩ năng phòng chống phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Tăng cường và thực hiện nghiêm túc việc cải tạo, sửa chữa, cắm biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em. Chủ động đưa trẻ em đi học bơi, để trẻ có kĩ năng an toàn trong môi trường nước.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học, các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng, các bể bơi tư nhân trên địa bàn… phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, nhắc nhở, khuyến cáo, giám sát chặt chẽ con em mình không tắm, chơi, đùa gần ao, hồ, hố công trình..., những không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, thương tích và đuối nước.
Thứ năm, Triển khai, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động, mở rộng phong trào học sinh học bơi, dạy bơi an toàn cho trẻ em, dạy kĩ năng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trong dịp hè, vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kĩ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương; thường xuyên tổ chức nhắc nhở, hướng dẫn học sinh các kĩ năng nhận biết về nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước.
Thứ sáu, Quan tâm, chú trọng, triển khai, tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng về bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở các cấp; cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em; đặc biệt là giáo dục kĩ năng sống, bảo vệ trẻ em, an toàn trong môi trường nước và kĩ năng bơi cứu đuối cho trẻ em.
Đào tạo, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy bơi cho các nhà trường nhằm từng bước đảo bảo số lượng, chất lượng để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh; cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn về phòng, chống đuối nước.
Thứ bảy, Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các các tổ chức, cá nhân và xử lí theo quy định đối với các vụ việc gây tử vong trẻ em do tai nạn thương tích, đuối nước.
Thường xuyên rà soát, kiểm tra toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp, thiết bị phục vụ việc dạy, học; thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, sinh hoạt: phòng học, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can, khu vui chơi... trong khuôn viên nhà trường, kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục, đảm bảo các tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; khuyến khích các cơ sở giáo dục tăng cường xã hội hóa, phối hợp với gia đình học sinh tổ chức dạy bơi cho học sinh trong và ngoài nhà trường.
Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em; phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.
Thứ tám, Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh) chỉ đạo, quản lí tạo sân chơi lành mạnh, an toàn, tổ chức các lớp học bơi, kĩ năng an toàn phòng chống đuối nước cho học sinh trong dịp hè. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình học sinh để quản lí, giám sát học sinh trong thời gian học trực tuyến tại nhà, thời gian nghỉ học, nghỉ hè để đảm bảo an toàn phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triên khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước tại đơn vị.
Thứ chín, Các địa phương cần quan tâm, bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại địa phương; xây dựng, lắp đặt bể bơi, hồ bơi tại cộng đồng và trường học để triển khai việc dạy bơi cho trẻ em; xây dựng các nhà văn hóa, sân thể thao, bể bơi theo tiêu chuẩn...
Thứ mười, Trang bị kĩ năng chống đuối nước ở trẻ qua ứng dụng Facebook. Đẩy mạnh, khuyến khích, trẻ em tìm hiểu các kĩ năng phòng, tránh đuối nước cho trẻ em thông qua ứng dụng Facebook nhằm trang bị kiến thức, kĩ năng bơi, chia sẻ kinh nghiệm, cách xử lí tình huống khi bị đuối nước cho trẻ nhỏ, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống đuối nước thông qua Fanpage “Thông tin phòng, chống thiên tai” trên ứng dụng Facebook. Thông qua ứng dụng này, trẻ em được đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia, đồng thời cũng có thể chia sẻ trực tiếp những trường hợp bản thân mắc phải trong đuối nước để cùng nhau bàn luận, rút kinh nghiệm.
Các câu hỏi thường tập trung vào những nội dung như: Sự khác nhau giữa bơi ở biển, ở sông so với bể bơi; làm thế nào khi bị đuối nước, chuột rút… đều được người dùng gửi trực tiếp tới chuyên gia.
Từ những câu chuyện được chia sẻ trực tiếp trên ứng dụng Facebook, các em có thể nâng cao được nhận thức trong phòng, chống đuối nước cho bản thân. Như vậy, việc sử dụng hiệu quả, khai thác tối đa Internet và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền và Chương trình “Phòng, chống đuối nước cho trẻ nhỏ” do Tổng cục Phòng chống Thiên tai tổ chức là hết sức cần thiết.
Người cập nhật: Lê Thanh Hải