Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định các yêu cầu tối thiểu cho thiết bị điện thoại VHF loại cầm tay hoạt động trong băng tần nghiệp vụ di động hàng hải từ 156 MHz đến 174 MHz (đoạn băng tần cụ thể theo quy định tại Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia), phù hợp sử dụng trên phương tiện cứu sinh và có thể dùng trong các tàu thuyền trên biển.
Yêu cầu về cấu trúc: Thiết bị điện thoại VHF phải là loại cầm tay, phải có khả năng trao đổi thông tin giữa các phương tiện cứu sinh, giữa phương tiện cứu sinh và tàu thuyền, giữa phương tiện cứu sinh và đơn vị cứu nạn. Có thể sử dụng thiết bị này để trao đổi thông tin trên tàu khi hoạt động tại các tần số phù hợp. Thiết bị phải có màu vàng sáng, hoặc màu da cam, hoặc được đánh dấu bằng các băng màu vàng sáng hoặc màu da cam. Các cấu trúc về cơ khí, điện và việc lắp ráp hoàn thiện thiết bị phải tuân thủ thiết kế tốt theo mọi phương diện, thiết bị phải được thiết kế thích hợp cho việc sử dụng trên tàu thuyền. Thiết bị phải chịu được ảnh hưởng của nước biển, dầu hoặc ánh sáng mặt trời. Thiết bị phải có kích thước nhỏ và khối lượng nhẹ (nhỏ hơn 1,5 l và 1,5 kg).
Yêu cầu về tần số và công suất, bao gồm: Thiết bị chỉ hoạt động trên các kênh tần số đơn để thông tin thoại với điều khiển bằng tay (đơn công). Thiết bị phải có khả năng thu, phát tín hiệu trên kênh 16 và tối thiểu một kênh tần số đơn khác theo Phụ lục 18 của “Thể lệ vô tuyến điện quốc tế” (trừ gọi chọn số trên kênh 70 và AIS1 và AIS2). Không được phép lựa chọn độc lập các tần số phát và thu. Sau khi bật, thiết bị phải hoạt động trong khoảng thời gian 5 s và đáp ứng được các yêu cầu của Quy chuẩn trong khoảng thời gian 1 min. Thiết bị không được phát trong khi chuyển kênh.
Yêu cầu về điều khiển: Thiết bị phải có một bộ chọn kênh và phải chỉ rõ dạng đăng ký kênh mà thiết bị đang hoạt động, như quy định trong Phụ lục 18 của “Thể lệ vô tuyến điện quốc tế”. Trong mọi điều kiện ánh sáng, phải luôn xác định được rằng kênh 16 đã được chọn. Yêu cầu về thời gian chuyển kênh: Sự chuyển kênh phải được bố trí sao cho thời gian cần thiết để chuyển việc sử dụng từ kênh này đến bất kỳ một kênh nào khác không được vượt quá 5 s. Thời gian cần thiết để chuyển từ phát thành thu hoặc ngược lại không được vượt quá 0,3 s.
Yêu cầu về các biện pháp an toàn: Phải có các biện pháp kiểm tra để tránh các hỏng hóc cho thiết bị do sự đổi chiều của nguồn pin. Thiết bị phải được thiết kế không có cạnh sắc có thể làm hỏng phương tiện cứu sinh. Nhà sản xuất phải công bố khoảng cách an toàn giữa thiết bị và la bàn từ tính phù hợp với khuyến nghị ISO 694. Thiết bị có khả năng bảo vệ ngắn mạch và hở mạch ăng ten.
Yêu cầu về phân loại các đặc tính điều chế và bức xạ: Thiết bị phải sử dụng điều chế pha, G3E (điều chế tần số với mức nén trước 6_dB/oct) cho thoại. Thiết bị phải được thiết kế để hoạt động tốt theo các yêu cầu trong Quy chuẩn với khoảng cách kênh là 25 kHz. Độ lệch tần số tương ứng với điều chế 100 % là ±5 kHz.
Yêu cầu về Pin: Phải dễ dàng thay được pin mà không cần dùng các dụng cụ chuyên dụng, không làm suy giảm tính năng của thiết bị và không ảnh hưởng đến khả năng chống nước khi tháo lắp lại pin. Thiết bị phải hoạt động được bằng các pin sơ cấp.
Yêu cầu về ghi nhãn: Tất cả các núm điều khiển và các chỉ thị đều phải được ghi nhãn một cách rõ ràng. Thiết bị phải được ghi nhãn rõ ràng với chỉ dẫn vận hành tóm tắt. Thiết bị phải được đánh dấu rõ ràng trên bề mặt ngoài với các thông tin về nhà sản xuất, dạng đăng ký của thiết bị, số xê-ri và phạm vi hoạt động an toàn. Phải ghi nhãn rõ ràng dạng đăng ký, thời hạn sử dụng của pin sơ cấp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị điện thoại VHF sử dụng trên tàu cứu nạn QCVN 50:2011/BTTTT quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 29/2011/TT-BTTTT ngày 26/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về viễn thông hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.