Thực hiện các định hướng trên, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (năm 2014) đã được Quốc hội thông qua, trong đó Chương XI Quy định về “Quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường”. Tiếp đến, ngày 21/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lượng bảo vệ môi trường quốc gia đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định số 166/QĐ-TTg. Một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược là “Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn môi trường quốc gia”. Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường.
Quan trắc, đánh giá chất lượng nước là một nội dung lớn của quản lý chất lượng môi trường. Bên cạnh việc sử dụng các phương pháp hoá học truyền thống đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường thì việc sử dụng các dữ liệu chất lượng sinh học làm cơ sở cho việc phân loại chất lượng các nguồn nước, đánh giá sự ô nhiễm, đánh giá sự huỷ hoại và bảo toàn sinh cảnh (đặc biệt là đối với nguồn nước sông, biển...) hiện đang được rất nhiều nước trên thế giới tiến hành. Đây là một phương pháp đánh giá chất lượng môi trường nước có nhiều ưu điểm, so với các phương pháp lý hoá, thì ít tốn kém hơn về mặt tài chính và kết quả đạt được cũng chính xác. Dựa vào các kết quả điều tra khảo sát định kỳ về sinh vật, có thể thành lập các ngân hàng dữ liệu/dữ liệu nền cho quá trình sinh quan trắc và xác định mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt, diễn giải các số liệu về ô nhiễm nguồn nước và vẽ được bản đồ quốc gia về hiện trạng chất lượng nước trong các thuỷ vực và các sông ngòi, vùng biển ven bờ và xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về bảo vệ và sử dụng bền vững, hợp lý nguồn nước mặt của quốc gia mình.
Hệ thống sinh học đánh giá ô nhiễm nước đầu tiên trên thế giới được Kolkwitz và Marsson xây dựng năm 1908-1909. Hệ thống này về sau được Liebmann (1962), Sladecek (1973) và các nhà khoa học khác bổ sung và hoàn thiện. Cho đến nay trên thế giới để sinh quan trắc và giám sát chất lượng nước sông, ngòi, ao hồ và nước biển ven bờ thông qua chất lượng sinh học đang cùng tồn tại một số các phương pháp, ví dụ: Phương pháp BMWP sử dụng tổng hợp các nhóm động vật không xương sống ở nước sông, suối của Anh và hơn 20 nước châu Âu, Ấn Độ, Brazil, châu Phi và Thái Lan; Phương pháp sử dụng nhóm động vật đáy không xương sống cỡ lớn và tuyến trùng (Nematoda) để đánh giá chất lượng sinh học nước sông của Hoa Kỳ và Canada; Phương pháp sử dụng các nhóm sinh vật sống ở nước ngọt của Pháp -Vương quốc Bỉ và sử dụng sinh vật chỉ thị để đạnh giá chất lượng nước của Đức và Hà Lan; Phương pháp đánh giá ô nhiễm môi trường nước ABC của Anh và các nước Tây Âu hiện nay.
Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã xây dựng các phương pháp đánh giá các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa, đánh giá độc tính cấp và độc tính trường diễn, đánh giá khả năng phân hủy sinh học, phép thử ức chế sự sinh trưởng đối với các chỉ thị sinh học là các loài sinh vật biển. Các phương pháp này dùng để quan trắc chất lượng sinh học của các thủy vực, bao gồm cả nước mặn, nước lợ, đánh giá tác động của ô nhiễm đối với môi trường nước, từ đó định hướng về mục đích sử dụng và quản lý, bảo vệ chất lượng môi trường nước.
Cho đến nay, tại Việt Nam, khoảng hơn 500 TCVN về môi trường đã được công bố, ban hành và đưa vào áp dụng trong thực tiễn, trong đó nhiều tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn nước ngoài, đề cập đến các lĩnh vực cơ bản về bảo vệ môi trường như không khí, nước, đất, chất thải, tiếng ồn, độ rung, an toàn bức xạ. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sinh học nói chung và các chỉ thị sinh học nói riêng vẫn còn hạn chế (trong lĩnh vực môi trường nước mới công bố được 24 TCVN, và lĩnh vực môi trường đất công bố được 10 TCVN).
Theo kế hoạch năm 2019-2020 đã được phê duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trên cơ sở chấp nhận các Tiêu chuẩn quốc tế (ISO) về chỉ thị sinh học. Cụ thể là tìm hiểu, điều tra về tảo biển và động vật đáy biển sinh học biển của các quần thể nền cứng cũng như tìm hiểu về phân bố của loài Brachionus plicatilis, các loài Giáp xác Copepod biển Acartia tonsa, Tisbe battgliai và Nicocra spinipes cũng như khả năng sử dụng các sinh vật khác thay thế trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam.
Với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản kỹ thuật (Tiêu chuẩn quốc gia; Quy trình kỹ thuật …) trong kiểm soát môi trường nước bằng các chỉ thị sinh học hy vọng sẽ có tác động và lợi ích thiết thực. Qua đó, làm căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng để triển khai thực thi các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường; Các phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, thử nghiệm thực hiện các hoạt động của mình liên quan đến thử nghiệm, chứng nhận. Tạo cơ sở cho hoạt động thừa nhận kết quả thử nghiệm và làm tài liệu cho các viện nghiên cứu, các trường đại học, trường dạy nghề sử dụng cho công tác nghiên cứu giảng dạy.