Cùng với chiến thắng vẽ vang, quân và dân Thừa Thiên Huế cũng chịu nhiều mất mát, đau thương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và đặc biệt thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác ưu đãi người có công, với mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình và người có công với cách mạng.
Qúa trình thực hiện chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chỉ thị, văn bản pháp quy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, chế độ ưu đãi người có công của Đảng và Nhà nước sâu rộng trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế hàng năm đã tăng cường chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công và các văn bản hướng dẫn thi hành đến tận xã, phường, thị trấn.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 110.000 người có công với cách mạng, bao gồm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 58 mẹ), liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cán bộ hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Nhà nước khen thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến hưởng trợ cấp hàng hoặc một lần, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh …
Số người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng gần 19.000 người.
Thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2012 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ ưu đãi đối với hơn 20.000 lượt đối tượng là người có công và thân nhân người có công với cách mạng, có gần 1750 Bà mẹ VNAH đã được phong tặng, truy tặng.
Bên cạnh trợ cấp ưu đãi của Nhà nước,sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, của UBMTTQVN, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, các phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện đầy đủ với mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng. Riêng trong công tác nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay tất cả các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đã được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với trách nhiệm như chính mình là người con của các mẹ, thường xuyên tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà nhân các ngày lễ tết, chăm lo những lúc ốm đau.
Từ nguồn ngân sách nhà nước, huy động quỹ đền ơn đáp nghĩa và các địa phương, đơn vị hỗ trợ, các phong trào đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện đầy đủ với mục tiêu dành những gì tốt đẹp nhất cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng, đặc biệt là chương trình hỗ trợ gia đình người có công xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định thông tin bia mộ liệt sĩ, giám định AND để xác định danh tính liệt sĩ được quan tâm thường xuyên. Toàn tỉnh đã qui tập trên 31.000 mộ liệt sĩ đưa về an táng tại 64 Nghĩa trang liệt sĩ và gia đình quản lý chăm sóc tại nghĩa trang gia tộc. Đặc biệt cán bộ chiến sĩ Đội 192 thuộc Bộ chỉ hy Quân sự tỉnh từ năm những năm nay đã tích cực nhiều năm tìm kiếm qui tập trên 750 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào đưa về an táng tại địa phương và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công cơ bản được xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, chăm sóc chu đáo, trang nghiêm. Nhiều công trình đã trở thành thiết chế văn hóa ở địa phương như Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền, Đền liệt sĩ huyện Quảng Điền. Thời gian qua, với sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã được vận hành để giúp người dân và thân nhân liệt sĩ tra cứu, tìm kiếm và thăm viếng mộ liệt sĩ…
Phong trào toàn dân chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ được đẩy mạnh. Hàng năm, từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương cùng với sự đóng góp của các cấp, các ngành, các phần mộ liệt sĩ và công trình ghi công liệt sĩ được nâng cấp, sửa chữa chu đáo, trang nghiêm. Các nghĩa trang liệt sĩ đều được các trường học nhận chăm sóc. Ngày càng có nhiều công trình ghi công liệt sỹ trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa ở địa phương góp phần lan tỏa sâu rộng truyền thống anh hùng cách mạng trong mỗi người dân.
Hàng năm, vào dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, nhằm tri ân người có công trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, ngoài quà của Chủ tịch nước dành cho người có công, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thăm và tặng quà cho 50 người có công tiêu biểu trong toàn tỉnh, mỗi suất quà trị giá 1.000.000 đồng. Đối với Mẹ Việt Nam anh hùng, năm nay có 04 Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, có đủ sức khỏe tham dự Gặp mặt Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức; 54 Mẹ Việt Nam Anh hùng không tham dự buổi gặp mặt trên thì được lãnh đạo tỉnh giao cho các địa phương tổ chức gặp mặt, trao tặng cho các Mẹ VNAH với mức quà 1.000.000 đồng/mẹ. Ngoài ra, nhân chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào làm việc tại Huế, đồng chí đã tặng quà cho các Mẹ VNAH với suất quà 1.000.000 đồng và thương binh A có tỷ lệ 81% trở lên với mức quà 500.000 đồng.
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác: thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền và Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế; tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” và trao tặng “Huân chương độc lập” cho các gia đình có nhiều liệt sĩ…
Tuy đạt được nhiều kết quả, có nhiều hoạt động thiết thực như vậy. Song, chúng ta chưa thực yên tâm khi vẫn còn những người có công vẫn chưa được công nhận, xác nhận; vẫn còn một số chế độ, chính sách chưa giải quyết kịp thời; vẫn còn không ít gia đình chính sách cuộc sống còn khó khăn, thu nhập bấp bênh, đang rất cần sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội; còn hơn 1.000 hộ gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhà cửa chưa ổn định; việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương chiến tranh, việc chăm lo học hành và việc giải quyết việc làm chưa được chu đáo. Đến nay, vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa được xác định danh tính, đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta.
Chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng. Do đó, trong thời gian tới, trách nhiệm chúng ta là phải làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người, những gia đình có công với nước./.